CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VƯỜN QUỐC GIA XUÂN SƠN
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VƯỜN QUỐC GIA XUÂN SƠN
(Được quy định tại Quyết định số 923/QĐ-SNN ngày 29/12/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ)
I. Chức năng:
1. Vườn Quốc gia Xuân Sơn là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT có chức năng quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, nguồn gen sinh vật; các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; bảo vệ môi trường sinh thái; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái.
2. Vườn Quốc gia Xuân Sơn chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và các khoản thu hợp pháp khác, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối đơn vị sự nghiệp.
3. Trụ sở: xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
II. Nhiệm vụ :
1. Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Xuân Sơn bao gồm:
a) Bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên:
- Lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia theo từng giai đoạn.
- Xây dựng các phương án, kế hoạch thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, tài nguyên nước; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất.
- Thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ dịch bệnh, sinh vật ngoại lai xâm hại; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến Vườn quốc gia.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên,sinh vật, nguồn nước và các yếu tố thiên nhiên khác.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng theo quy định.
b) Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên để duy trì diễn thế tự nhiên trong các phân khu theo quy định; nâng cao chất lượng, giá trị thẩm mỹ của rừng; bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu có nguy cơ bị tuyệt chủng.
c) Khôi phục, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị cảnh quan thiên nhiên phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và dịch vụ môi trường rừng.
d) Tham gia lập dự án và là chủ đầu tư các dự án phát triển vùng đệm để ổn định cuộc sống của người dân; thiết lập quy chế trách nhiệm của cộng đồng dân cư, hộ gia đình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
2. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, đề tài, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt về bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển động vật, thực vật rừng, đặc biệt đối với các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, nguy cấp tại Vườn quốc gia.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ trong nghiên cứu khoa học, tham quan học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài).
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch, các đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Sưu tầm, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật rừng quý hiếm.
- Xây dựng các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Xây dựng các mô hình trình diễn, các mô hình nghiên cứu sản xuất kết hợp cho việc tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học ; ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp cho người dân trong vùng.
- Tiếp nhận, cứu hộ các loài động vật bản địa; các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của khu rừng đặc dụng hoặc các loài được phép nghiên cứu khoa học; Nuôi cứu hộ, nuôi bán hoang dã các loài động vật nhằm mục đích tái thả về môi trường tự nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học;
3. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên thông qua tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng:
a) Tổ chức dịch vụ môi trường rừng:
- Xây dựng trình duyệt quy hoạch, dự án phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia và tổ chức thực hiện; lập các đề án, dự án cung ứng các dịch vụ về môi trường rừng; giáo dục môi trường trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
- Liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng và quản lý, giám sát các hoạt động của nhà đầu tư theo lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
- Tổ chức thu phí, lệ phí tham quan du lịch; nghiên cứu khoa học; cho thuê môi trường rừng ; cung cấp phát thải các bon và các nguồn thu hợp pháp khác… để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và theo các quy định của Nhà nước về thu phí, lệ phí.
- Thực hiện các dịch vụ tư vấn: về du lịch sinh thái; tổ chức kinh doanh du lịch, dịch vụ, quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, truyền thống của người dân địa phương; dịch vụ tư vấn về phát triển lâm nghiệp và một số dịch vụ khác trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn..
b) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát triển lâm nghiệp bền vững; Luật bảo vệ rừng và một số các văn bản liên quan công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; các chính sách liên quan đến hoạt động quản lý du lịch; Xây dựng các tư liệu phục vụ cho công tác tuyền truyền; Tổ chức các hoạt động về ngày môi trường.
c) Chia sẻ lợi ích với người dân, cộng đồng vùng đệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng thông qua các hoạt động tạo sinh kế cho người dân, thu hút sự tham gia của cộng đồng đối với các hoạt động dịch vụ và gắn quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên.
4. Lập các dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn quốc gia và là chủ đầu tư các dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước và được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
5. Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ rừng, là Ban quản lý rừng đặc dụng theo quy định tại điều 61 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.
6. Quản lý tài chính, tài sản được giao; thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính theo quy định của Nhà nước.
7. Quản lý bộ máy tổ chức; cán bộ, viên chức và người lao động; thực hiện chế độ tiền, khen thưởng, kỷ luật theo quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các quy định của Pháp luật.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giao.