BẢO TỒN NGUỒN GEN QUÝ GÀ CHÍN CỰA TẠI VƯỜN QUỐC GIA XUÂN SƠN Khoa học và Hợp tác
Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích của vườn là 15.048 ha, là một trong 31 Vườn quốc gia của Việt Nam; có hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái điển hình của miền Bắc Việt Nam với kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới còn lưu giữ được nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường.Trên địa bàn Vườn, hiện có 29 cộng đồng thôn/bản thuộc vùng đệm trong và vùng đệm ngoài, có tổng số 2908 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường (80%) và Dao (18%). Đồng bào ở đây còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán và truyền thống đặc trưng trong sản xuất cũng như sinh hoạt, đời sống hàng ngày. Loài gà Chín cựa phân bố hầu hết tại các thôn/bản trên địa bàn Vườn, là "Lễ vật" không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao và Mường trên địa bàn. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ và nuôi chung với nhiều giống gà khác. Do vậy, phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn gen của loài và đồng thời chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch.
Trước thực tế trên, năm 2012 Vườn quốc gia Xuân Sơn thực hiện đề tài nghiên cứu “Bảo tồn nguồn gen gà Lôi trắng và gà Chín cựa tại Vườn quốc gia Xuân Sơn”. Với mục tiêu: Bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen của 2 loại gà Lôi trắng và gà chín cựa tai Vườn quốc gia Xuân Sơn; Cung cấp giống thương mại chuẩn cho người dân sống trong và gần kề Vườn quốc gia, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân, đặc biệt khi Vườn quốc gia Xuân Sơn trở thành khu Du lịch văn hoá.
Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, Vườn quốc gia Xuân Sơn đã phối hợp cùng các tổ chức, cá nhân là các trung tâm nghiên cứu đầu ngành và chuyên gia về chăn nuôi, thú ý, bên cạnh đó có sự ủng hộ Chính quyền địa phương 06 xã và 29 thôn/bản thuộc vùng đệm của Vườn. Bước đầu đã thu được một số kết quả như sau:
Qua điều tra tại 16 thôn/29 thôn thược vùng đệm VQG với tổng số hộ 480/2.908 Tổng số hộ. Số lượng cá thể gà đạt từ 6 đến 8 cựa là: 2730 cá thể (1.048 cá thể đực, 1682 cá thể mái)/tổng số 3.169 cá thể gà có cựa; phương thức chăn nuôi thả tự do và được chăn nuôi với nhiều loại vật nuôi khác, chuồng nuôi còn sơ sài; thức ăn chủ yếu là Lúa, Ngô, Sắn; người dân đã có ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh.
Từ kết quả trên, đề tài lựa chọn được 53 cá thể (8 trống và 45 mái)/2730 cá thể đạt từ 6 đến 8 cựa để nuôi chuyển vị tại khu nuôi Văn phòng Vườn quốc gia Xuân Sơn với quy mô 200m2. Qua theo dõi các chỉ tiêu như: Kích thước, chỉ tiêu sinh sản, chỉ tiêu ấp nở, dịch bệnh và thức ăn. Kết quả, tính đến 31/12/2013 số lượng gà đạt từ 6-8 cựa tại khu nuôi chuyển vị 230 cá thể; thức ăn của gà gồm: Lúa, Ngô, Sắn và thức ăn tự kiếm; gà trống trưởng thành trọng lượng trung bình đạt 1,8 kg, gà mái trưởng thành đạt 1,6kg; Lượng trứng trung bình/lần đẻ đạt 13,8 quả/lần đẻ; Tỷ lệ nở trung bình 83,5% số trứng có phôi; Tỷ lệ gà có cựa (6-8 cựa) sau khi nở trung bình đạt 81%; lựa chọn được 63 cá thể (9 trống và 54 mái) để nghiên cứu các chỉ tiêu đặc trưng của loài.
Từ việc theo dõi các chỉ tiêu của 116 cá thể gà trên đã tiến hành lựa chọn được 05 cá thể (01 trống và 04 mái) đạt thuần. Là các cá thể đại diện, đặc trưng có hình thái đẹp, có năng suất cao, ổn định về di truyền và khả năng kháng bệnh cao . Qua phân tích gen ty thể tại Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, kết quả cho thấy: gà Chín cựa tại Vườn quốc gia Xuân Sơn có mức độ tương đồng cao về trình tự sắp xếp gen với gà nhà. Tuy nhiên, trật tự sắp xếp một số nucleotide của gà Chín cựa tại Xuân Sơn có sự khác biệt với gà nhà, do vậy gà Chín cựa tại Xuân Sơn được xếp thành một phân nhánh khác.
Từ những kết quả nghiên cứu trên cho ta thấy: Gà Chín cựa trên địa bàn Vườn quốc gia Xuân Sơn là giống gà có hình thái (màu sắc đẹp), được thị trường ưa chuộng đặc biệt vào dịp Tết nguyên đán; dễ nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong dân; loài có tính kháng bệnh cao; năng suất sinh sản cao (trung bình 50 trứng/năm/gà mái đẻ); gà con mới nở tinh, nhanh, sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn. Do vậy, trong thời gian tới cần nhân rộng, phát triển chăn nuôi giống gà Chín cựa trên địa huyện Tân Sơn nói riêng và trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung. Từ đó, Bảo tồn nguồn gen quý gà Chín cựa và đồng thời tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ cho du lịch, góp phần tăng thu nhập bền vũng cho người dân.
Tin, ảnh: Đào Văn Thông - TP. HTQT&DLST
Bình luận
Viết bình luận