Chào mừng bạn đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU TẠI VƯỜN QUỐC GIA XUÂN SƠN Bảo tồn đa dạng sinh học

        Vườn quốc gia Xuân Sơn với lợi thế là khu rừng đặc dụng nhiệt đới đa dạng phong phú về thành phần loài đặc biệt có tới 1.263 loài thực vật mang lại  nhiều giá trị về làm thực phẩm lấy từ lá, hoa, quả; về cảnh quan như làm cây cảnh, tạo bóng mát…trong đó có tới 665 loài thực vật có tác dụng làm dược liệu chiếm 53% trên tổng số các loài thực vật.

          Tuy nhiên với thực trạng hiện nay về những loài thực vật có giá trị làm thuốc, thậm trí là những loài có khả năng chữa được những bệnh hiểm nghèo khi có sự kết hợp giữa đông và tây y. Dẫn đến nhu cầu khai thác các loài thực vật về làm thuốc đã và đang ngày càng tăng cao tại các vùng trên cả nước nói chung và tại Vườn quốc gia Xuân Sơn nói riêng. Kéo theo đó nảy sinh vấn đề mất cân bằng giữa khai thác và phát triển các loài thực vật này.  Chính vì thế việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Vườn quốc gia Xuân Sơn đã được quan tâm chú trọng nhiều hơn trong mấy năm gần đây. Vườn quốc gia đã triển khai song song hai hình thức bảo tồn và phát triển cây dược liệu.

          Với bảo tồn chuyển vị bước đầu Vườn quốc gia Xuân Sơn đã có một số hoạt động như xây dựng vườn cây dược liệu nhỏ tại văn phòng Vườn với tổng số loài sưu tầm được đến thời điểm hiện tại là 25 loài. Dự kiến trong một vài năm tới Vườn sẽ huy động vốn để mở rộng Vườn dược liệu này thành mô hình thăm quan phục vụ cho du lịch sinh thái.

Với bảo tồn nguyên vị xuất phát từ thực trạng và từ nhu cầu, năng lực của đối tác; ngay từ đầu năm 2016 Vườn quốc gia Xuân Sơn đã phối kết hợp với Bộ công an thực hiện hợp tác nghiên cứu khoa học trong thực hiện đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý hiếm tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc” .Thời gian hợp tác được thực hiện trong 2 năm từ 2016 – 2018. Đề tài được triển khai thực hiện tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Xuân Sơn; quy mô thực hiện trong 03 ô tiêu chuẩn trên diện tích khoảng 10 ha và ưu tiên bảo tồn 10 loài dược liệu gồm Kim truyến tơ, Trọng lâu nhiều lá, Hoàng đằng, Gừng gió, Bổ béo mềm, Dứa dại Bắc, Nưa gián đoạn, Máu chó lá nhỏ, Hoàng tinh trắng, Tỏi rừng Xuân Sơn. Kết quả sau 2 năm nghiên cứu và theo dõi cho thấy 10 loài dược liệu đều tăng lên về số lượng, cụ thể từ tổng số lượng cây của 10 loài dược liệu ban đầu điều tra được là 217 cây/ha năm 2016 đã tăng lên 377 cây/ha năm 2018. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu không những đánh giá được khả năng thích ứng với môi trường sống của các loài mà còn theo dõi được vật hậu của chúng. Từ đó là cơ sở cho Vườn quốc gia Xuân Sơn khoanh vùng bảo vệ và có định hướng để phát triển 10 loài dược liệu này. Các hoạt động của đề tài còn đem lại hiệu ứng cao đối với người dân, họ biết đến nhiều loại cây dược liệu khác nhau hơn hiện đang có tại địa phương, có ý thức hơn trong việc bảo tồn và sử dụng cây dược liệu, đặc biệt có nhiều hộ dân còn biết phát triển chúng bằng cách mang về vườn nhà để trồng...

Bên cạnh công tác bảo tồn nguyên vị, chuyển vị các loài cây dược liệu quý Vườn quốc gia Xuân Sơn cũng không quên triển khai công tác bảo tồn thông qua hình thức tuyên truyền tới người dân về sử dụng cây dược liệu để chữa bệnh tại nhà. Các quy định về cấm khai thác cây dược liệu trong rừng tự nhiên vì mục đích thương mại. Hay thường xuyên tuần tra kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép lâm sản đặc biệt là cây dược liệu...

Với công tác phát triển cây dược liệu, năm 2018 được sự phối hợp và ủng hộ về giống của Hợp tác xã nông nghiệp Linh Sơn – Hòa Bình, phòng KH & HTQT đã mạnh dạn bỏ vốn triển khai trồng thử nghiệm 0,5 ha tại 02 hộ thuộc một thôn vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn là thôn Lạng, xã Xuân Sơn, loài cây dược liệu trồng là ba kích tím, Đẳng sân, Hà thủ ô. GiôTuy nhiên việc làm này cũng mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu khả năng thích ứng với môi trường sống của 3 loài dược liệu. Trong tương lai nếu thu hút được vốn từ bên ngoài Vườn quốc gia Xuân Sơn mong muốn sẽ có những nghiên cứu sâu hơn về chúng và mở rộng ra thành nhiều mô hình trong các hộ dân.

Từ thực tế về công tác bảo vệ, phát triển rừng trong những năm qua và từ quá trình thử nghiệm phát triển cây dược liệu trên cho thấy vấn đề buôn bán, vận chuyển lâm sản, đặc biệt là cây dược liệu trong khu vực đã được hạn chế . Hơn thế nữa, nguồn cây dược liệu tại Vườn quốc gia Xuân Sơn dồi dào phong phú hơn, được bảo vệ một cách bền vững và hứa hẹn điểm du lịch sinh thái Xuân Sơn với nhiều sản phẩm du lịch từ cây dược liệu.

                                          Bài, ảnh : Vũ Thị Hiệp

Bình luận

Viết bình luận

Liên kết - Đối tác