Bảo vệ rừng bền vững thông qua mô hình phát triển kinh tế hộ tại VQG Xuân Sơn Hợp tác quốc tế - Dự án
Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 với 2 nội dung đầu tư là hỗ trợ công tác bảo vệ rừng tự nhiên và hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm. Mục đích chính của Quyết định là phát huy tối đa công tác quản lý bảo vệ rừng thông qua hỗ trợ kinh phí cho công tác tham gia bảo vệ rừng và hỗ trợ đầu tư phát triển đời sống, sinh hoạt văn hóa, kinh tế xã hội của cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng. Từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, giảm được sức ép vào rừng đưa tới kết quả bảo vệ rừng một cách bền vững.
Xuất phát từ mục đích đó Vườn quốc gia Xuân Sơn phối hợp với chính quyền địa phương các xã vùng đệm xác định cụ thể từng đối tượng được hưởng và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng tinh thần của Quyết định. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 là 5 năm, từ năm 2013 – 2018, với hai nội dung hỗ trợ là: Hỗ trợ công tác khoán bảo vệ rừng tự nhiên cho 7.084 lượt hộ tham gia với diện tích 58.800 lượt ha. Hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm cho 29 thôn với các nội dung nhằm phát triển đời sống – sinh hoạt văn hóa, thể thao, kinh tế - xã hội cho người dân cụ thể như hỗ trợ trang thiết bị - thông tin liên lạc cho 27 thôn; hỗ trợ xây mới, làm mái – trần, lát nền, làm sân, xây tường rào nhà văn hóa cho 29 thôn; hỗ trợ làm đường giao thông nội thôn cho 27 thôn, làm mương nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 7 thôn, lắp đặt ống nước phục vụ sinh hoạt cho 3 thôn, hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển sản xuất từ cây – con giống cho 21 thôn.
Sau 5 năm triển khai thực hiện với những kết quả đạt được cho thấy Vườn quốc gia Xuân Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã vùng đệm tiến hành hỗ trợ đúng theo tâm tư nguyện vọng và hợp lòng dân, đẩy mạnh được phát triển kinh tế - xã hội, góp phần lớn vào thành công của công cuộc xây dựng 1/19 tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt rừng được bảo vệ tốt, nâng độ che phủ rừng từ 76% (2013) lên 86%(2018), rừng được tăng lên cả về chất lượng và số lượng.
Nhìn vào kết quả đạt được trên nổi lên là việc xây dựng mô hình trồng cây có múi (Bưởi diễn), tuy mới triển khai thực hiện được hơn hai năm nhưng đã đạt được một số thành công đáng kể. Mô hình được thực hiện trong hai năm 2016, 2017 với tổng số 4.851 cây/35 hộ tham gia. Mục đích khi xây dựng mô hình là mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định lâu dài cho người dân và hạn chế cho người dân phải lao động vất vả mà thu nhập vẫn thấp.
Các hộ tham gia hầu hết đều rất tâm huyết, nhiệt tình, tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Vườn quốc gia Xuân Sơn vì vậy cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, nhiều cây đã bắt đầu cho thu nhập, tuy chưa cao nhưng so với thu nhập khi trồng sắn là cao hơn 5 trăm đến – 1 triệu đồng.
Tiểu biểu trong số các hộ tham gia phải kể đến hộ gia đình ông Triệu Tiến Hiển ở thôn Suối Bòng, xã Xuân Đài. Với nhân khẩu của gia đình là 4 người lớn, lại có diện tích Vườn nhà trên 3.000m2 ngay khi được cán bộ Vườn triển khai chủ trương gia đình ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia trồng hết diện tích Vườn nhà. Tuy nhiên do vốn hỗ trợ ít chỉ có thể hỗ trợ được cho gia đình ông 60 cây còn lại gia đình ông phải chủ động mua thêm giống để trồng hết diện tích vườn nhà. Qua 2 năm trồng, chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật đến hiện tại tuy mới chỉ năm đầu cây chưa cho sai quả nhưng thu nhập của gia đình ông từ vườn Bưởi Diễn đã ước đạt 3,5 - 4 triệu đồng. Thu nhập đó chưa cao nhưng cũng đã hứa hẹn một cái Tết của gia đình năm nay no đủ hơn. Tâm sự với chúng tôi ông Hiển cho biết “Vườn nhà tôi rộng mà mấy năm trước gia đình chỉ biết trồng sắn mỗi vụ thu nhập được hơn triệu không đủ để đong gạo ăn. Tôi cũng xem tivi có nhiều người chuyển đối cây trồng thấy hay nhưng còn băn khoăn về kỹ thuật và không biết có phù hợp với đất nhà mình không. Vì thế khi được Vườn quốc gia Xuân Sơn hỗ trợ vốn và kỹ thuật tôi mừng lắm và cũng mạnh dạn đầu tư thêm vốn để trồng cho hết diện tích vườn nhà. Đến nay thấy Vườn cây phát triển xanh tốt và đã bắt đầu bói những quả đầu tiên, gia đình tôi rất cảm ơn Vườn quốc gia Xuân Sơn và hoàn toàn tin tưởng vào hướng đầu tư mới của Vườn”. Qua ông Hiển chúng tôi còn được biết vườn Bưởi Diễn của gia đình nằm gần đường giao thông liên thôn nên mọi người đi qua ai cũng phải ngó nghiêng, trầm trồ khen ngợi. Cũng có không ít người đã bày tỏ tiếc nuối khi năm 2016 không đăng ký tham gia trồng vì sợ cây không hợp đất, vì sợ trồng không có hiệu quả…
Với những hiệu quả bước đầu như trên, với những tâm sự chân thành của người dân nêu trên, chúng tôi những cán bộ thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ rất tin và khẳng định đây là hướng đi đúng, không lâu nữa sẽ không chỉ nâng cao được thu nhập cho các hộ tham gia mà còn là sản phẩm sạch cung cấp cho khách du lịch vào Vườn quốc gia Xuân Sơn, cho toàn bộ dân trong vùng, đồng thời là mô hình điểm có sức nhân rộng, lan tỏa lớn để các hộ dân khác học hỏi và làm theo.
Bài, ảnh: Vũ Thị Hiệp
Bình luận
Viết bình luận