Chào mừng bạn đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn

Quần thể Thông Pà Cò tại Vườn quốc gia Xuân Sơn Nghiên cứu khoa học

          Tháng 11 năm 2018, Phòng Khoa học &HTQT phối hợp cùng Đội chuyên trách bảo vệ rừng Vườn quốc gia Xuân Sơn tiến hành điều tra, giám sát đa dạng sinh học tại khu vực núi Băng (thuộc tiểu khu 274 và 275) trên địa phận xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Kết quả đã phát hiện quần thể Thông Pà cò (thông Quảng Đông). Việc phát hiện loài thực vật mới đã bổ sung thêm 01 loài và 01 họ thực vật. Nâng tổng số loài thực vật Vườn quốc gia Xuân Sơn lên là 1.263 loài và 186 họ

Quần thể Thông Pà Cò tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

          Thông Pà Cò có tên khoa học là: Pinus kwangtungensis Cun ex Tsiang, 1948, loài này thuộc họ Thông (Pinaceae), chi Thông (Pinus). Tại Vườn quốc gia Xuân Sơn loài mọc thành dải hẹp thuần loài trên các đỉnh núi đá vôi, ở độ cao 1250m trở lên. Dưới tán Thông Pà Cò là các cây gỗ nhỏ thuộc họ Đỗ Quên và Trâm.

        Cây gỗ nhỡ, có tán hình dù rộng, thường xanh, cao từ 20 tới 25m, đường kính thân từ 0,8 tới 1m. Thân thẳng, không có bạnh gốc, cành nằm ngang. Vỏ thân màu xám, thơm. Chồi đông màu nâu đen, nhựa màu trắng đục. Lá hình kim thừơng luôn luôn 5 lá trong 1 bó trên cành, dài đến 7cm , dải lỗ khí màu trắng rất rõ ở mặt dưới (mặt xa trục - abaxial). Nón cái đơn độc, cuống dài 0,7 - 2cm , màu nâu đỏ khi trưởng thành, hình trụ thuôn hoặc trụ - trứng, có nhựa, dài 6 - 9 (-17), rộng 4 - 7cm . Vảy hạt hình trứng ngược, dài khoảng 3 - 3,5cm , rộng khoảng 2 - 2,3cm , rốn vảy hình thoi, đầu mỏng, thẳng hoặc hơi uốn cong. Hạt hình bầu dục hoặc trứng ngược, dài khoảng 2,8 - 3cm.

 

Nón cái của loài Thông Pà Cò

                Hiện loài Thông Pà Cò  có khả năng tái sinh tự nhiên kém, rất ít khi bắt gặp cây con tái sinh mà chỉ gặp quần thể cây trưởng thành.

            Trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) loài thuộc cấp V; trong Nghị định số 32/2006/N Đ-CP loài thuộc nhóm Ia

Hạt và cây con tái sinh của loài Thông Pà Cò

               Kết quả đạt được chứng tỏ được tính đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Xuân Sơn đồng thời nâng cao vị thế của Vườn quốc gia Xuân Sơn, nó hứa hẹn đây là một bảo tàng sống thu hút nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học cho các Nhà khoa học trong và ngoài nước.

 

Tin, ảnh: Vũ Thị Hiệp - VQG Xuân Sơn

Bình luận

Viết bình luận

Liên kết - Đối tác