Thử nghiệm nhân giống và sản xuất sản phẩm từ cây Xạ đen tại Vườn quốc gia Xuân Sơn Nghiên cứu khoa học
Thử nghiệm nhân giống và sản xuất sản phẩm từ cây Xạ đen
tại Vườn quốc gia Xuân Sơn
Vườn quốc gia Xuân Sơn (VQG) được đánh giá là nơi có đa dạng dạng sinh học cao thứ 16 trong tổng số 34 vườn quốc gia trong cả nước, theo thống kê ban đầu có 1259 loài thực vật, trong đó có 665 loài có tác dụng làm dược liệu như: Bảy lá một hoa, Sa nhân, Củ dòm, Xạ đen, hoàng đằng, Xuân Hoa… Tuy nhiên hiện nay việc nhân giống, gây trồng các cây dược liệu chưa được người dân quan tâm chú ý…
Xuất phát từ những thực tế trên cùng với nhu cầu cấp thiết phải đưa ra được sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, nhất là sau này Vườn quốc gia Xuân Sơn trở thành một một khu du lịch trọng điểm quốc gia thì lượng khách đến tham quan du lịch sẽ ngày càng tăng, vậy để có một sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách là rất cần thiết. Do vậy Vườn quốc gia Xuân Sơn đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, du lịch sinh thái (GDMT&DVDLST) nghiên cứu các phương pháp và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để nhân giống, trồng và chăm sóc cây Xạ đen nhăm bảo tồn và phát triển mở rộng diện tích trồng theo hướng hữu cơ để đáp ứng nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao hơn để sản xuất những sản phẩm từ cây Xạ đen. Qua các tài liệu nghiên cứu thì Cây Xạ đen có tên khoa học là Celastrus hindsii, thuộc họ Dây gối (Celastraceae) hay còn gọi là cây Đồng triều, Cây Bạch vạn hoa, Cây Dây gối, …Cây thân gỗ nhỏ, mọc thành bụi, cành cây tròn, lúc non có màu xám nhạt, về sau chuyển thành màu nâu. Lá cây Xạ đen hình bầu dục, không có lông, mép lá có răng cưa thấp, không đều. Hoa nhỏ mọc thành từng chùm thường mọc ở nách lá, có màu trắng. Trong nhiều nghiên cứu, tài liệu khoa học được công bố, các nhà khoa học đã khẳng định cây Xạ đen có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là phòng ngừa và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và khối u bướu, ổn định huyết áp, đặc biệt là huyết áp cao, hỗ trợ điều trị xơ gan, men gan cao, viêm gan B... Hiện nay, Cây dược liệu nói chung và cây Xạ đen nói riêng đang được người dân sinh sống tại Vườn quốc gia Xuân Sơn trồng với diện tích nhỏ lẻ chưa trở thành hàng hóa, chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày (lấy lá sắc nước uống). Do trồng bằng phương pháp truyền thống, để mọc tự nhiên không được chăm sóc nên năng suất còn thấp, sản phẩm được chế biến thô chưa đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Đầu năm 2020, Trung tâm GDMT&DVDLST VQG Xuân Sơn đã tiến hành nhân giống bằng phương pháp giâm hom được tổng số 3000 cây và đã trồng thí điểm các mô hình Xạ đen tại khu vực Văn phòng Vườn cũng như các trạm quản lý bảo vệ rừng với tổng số 2.000 cây Xạ đen, bước đây sẽ là những mô hình điển hình giúp người dân học tập và làm theo góp phần mở rộng quy mô vùng nguyên liệu trên địa bàn các thôn vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Sơn. Dự kiến, đến năm 2022 mô hình sẽ được nhân rộng đến 50 hộ dân với khoảng 8.000 cây Xạ đen được trồng.
Song song với việc nhận giống và trồng thử nghiệm, thì Trung tâm đã phối hợp cùng Trung tâm Dược liệu - Viện nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển thuộc trường Đại học Hùng Vương nghiên cứu cho ra đời sản phẩm thử nghiệm “Trà giải độc gan Xạ đen”, với thành phần chính từ Xạ đen kết hợp cùng các dược liệu: Cà gai leo, cỏ ngọt... với vị thanh ngọt, dễ uống có tác dụng thanh nhiệt cơ thể và giải độc, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm, bệnh tiểu đường, máu nhiễm mỡ, dùng trong giảm đau, tăng sức đề kháng của cơ thể,... Đặc biệt sản phẩm được sản xuất dạng gói lọc tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản được trong thời gian dài, quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian vừa qua, Trung tâm GDMT&DVDST đã đưa ra thị trường 400 gói sản phẩm Trà giải độc gan Xạ đen, sản phẩm bước đầu đã được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng và mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
|
Hình ảnh: Cây Xạ đen và sản phẩm ”Trà giải độc gan Xạ Đen”
Trong thời gian tới, cùng với việc lấy ý kiến của người tiêu dùng để hoàn thiện và đưa sản phẩm Trà giải độc gan Xạ đen hoàn hảo nhất ra thị trường, sau khi chế biến thành sản phẩm Trà giải độc gan Xạ đen và bán ra thị trường sẽ giúp người dân thu về 1.300 triệu đồng/năm tương đương khoảng 260.000 đồng/1 khóm Xạ đen/1 năm.
Với nguồn nguyên liệu Xạ đen ổn định từ các hộ dân, sản phẩm Trà giải độc gan Xạ đen hứa hẹn sẽ phát triển và là sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn. Trong tương lai việc phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu nói chung và cây Xạ đen nói riêng cùng với việc nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu đối với người dân sinh sống tại vùng đệm VQG Xuân Sơn sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định, lâu dài giúp thúc đẩy kinh tế hộ gia đình từ đó giảm áp lực vào rừng và góp phần phát triển bền vững Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Tin, ảnh: Nguyễn Văn Hùng – Trung tâm GDMT&DVDLST
Bình luận
Viết bình luận