13. Vàng anh Thực vật
Tên Việt Nam: Vàng anh
Tên khoa học: Saraca dives
Họ: Đậu - Fabaceae
Bộ: Đậu - Fabales
Lớp (nhóm): Cây gỗ trung bình
Mô tả: Cây gỗ cao 10 - 8m, phân cành nhiều. Cành non tròn nhẵn. Thân không thẳng. Vỏ xù xì màu nâu xám đen, nức dọc thịt vỏ màu đỏ; lá kép lông chim một lần chẵn. Cuống chung to, nhẵn, hình trụ tròn, dài 20 - 30cm, có 5 đôi lá nhỏ, dài 30cm, rộng 10cm, hình trái xoan thuôn, đầu nhọn, gốc tù, mặt trên nhẵn bóng màu lục thẫm, cả hai mặt đều không có lông, gân bên 8 - 10 đôi mảnh. Lá kèm sớm rụng. Lá non màu đỏ tím, thường xếp lại và rủ xuống rất đặc biệt.
Hoa lưỡng tính màu vàng hợp thành ngù ở đầu cành hoặc nách lá, dài tới 20cm, trục hoa nhẵn. Hoa có cuống dài 1cm, đỉnh cuống có 2 lá bắc nhỏ. Cánh đài hình ống, dài 2cm, thuôn dần về phía cuống, mặt ngoài nhẵn, mặt trong về phía trên có lông, chía 5 thùy. Không có cánh tràng. Nhị 8 cuộn lại trong nụ, khi nở thò ra ngoài. Bầu có cuống chứa 12 noãn, vòi hình sợi thò ra ngoài hoa; quả đậu dẹt dài 30cm, rộng 5cm, mép dày. Cuống quả dài 4 - 5cm. Hạt dài 4cm, rộng 2,4cm hình bầu dục, có mũi nhọn. Vỏ hạt cứng, dày.
Sinh học và sinh thái: Cây ưa ẩm, hay mọc ở ven khe, trong các thung lũng đá vôi và các khu vực gần các hồ nước tự nhiên trong rừng. Tái sinh hạt tốt, tái sinh chồi kém. Thích hợp với nhiều kiểu đất khác nhau. Hoa nở vào tháng 3 - 4. Quả tháng 9 - 10.
Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ...
- Việt Nam: cây mọc rộng rãi hầu khắp các tỉnh nhưng tập trung là ở các tỉnh có núi đất và núi đá vôi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc, Quảng Ninh, Hà Tây, Hoà Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Trong các rừng rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới, trạng thái nguyên sinh hay thứ sinh.
Giá trị: Gỗ xấu, ít được sử dụng. Có thể làm cây chủ thả bọ rùa cánh kiến đỏ. Cây có hoa đẹp, biểu tượng của phật giáo nên thường được trồng nơi chùa triền, công viên, biệt thự làm cây cảnh và cây bóng mát.
Tài liệu dẫn: Sinh vật rừng Việt Nam - vncreature