8. Táu Thực vật
Tên Việt Nam: Táu
Tên khoa học: Vatica subglabra
Họ: Dầu - Dipterocarpaceae
Bộ: Bông - Malvales
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn
Mô tả: Cây gỗ lớn, cao 20 - 30 m. thân thẩng, phân cành sớm; đường kính 40 - 60 cm. Vỏ màu xám đen, nứt dọc, có nhiều địa y bao phủ. Cành mảnh, khi khô mầu nâu hồng, khi non có lông hình sao, sau nhẵn. Lá đơn, mọc cách, hình trái xoan, dài 4 - 7 cm, rộng 1 - 4 cm, hơi cong và không đối xứng, đỉnh thót nhọn, gốc hình nêm, mép nguyên.Gân cấp hai 10 - 13 đôi; cuống lá mảnh, dài 0,5 cm. Cụm hoa hình chuỳ, ở tận cùng hay mọc ở nách, có lông, sau nhẵn.Hoa hình trụ dài 10 mmm, cuống 6 - 10 mm, có lông xám, hình sao. Đài 5; nhị 10 - 12; bầu phủ nhiều lông hình sao. Quả 5 cánh không đều nhau, khi chín màu nâu vàng, hai cánh lớn dài 3,5 cm, ba cánh nhỏ dài 1,5 - 2 cm. Quả hình cầu, nhẵn, đường kính 8 mm, có vòi tồn tại.
Sinh học và sinh thái: Mùa hoa tháng 4 - 5, mùa quả tháng 6 - 8. Cây mọc ở độ cao 100 - 900 m, tập trung ở 300 - 600 m. Cây trung sinh thiên về ưa ẩm nên thường gặp ở chân núi, trong thung lũng, ven sông suối; thường mọc cùng Chò chỉ, Chò nâu, Chò xanh, Nhội...Tái sinh tự nhiên tốt ở dưới tán rừng hơi thưa (0,3 - 0,5).
Phân bố:
- Trong nước: Hà Tây, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh.
- Thế giới: Chưa biết.
Giá trị: Loài đặc hữu của Việt Nam. Gỗ màu trắng vàng, cứng vừa đến rất cứng; giác màu hơi sáng hơn phần lõi; tỷ trọng 0,7 - 1,1. Cấu tượng gỗ mịn, thớ thẳng, bền với mối mọt nhưng hơi khó chế biến. Dân địa phương thường dùng làm cột nhà.
Tình trạng: Do gỗ tốt nên Táu nước bị khai thác mạnh cộng với môi trường sống bị phá huỷ nhanh nên loài này ngày càng trở nên hiếm. Tuy vậy Táu nước phân bố ở Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Tây), Xuân Sơn (Phú Thọ), Cúc Phương (Ninh Bình), Vũ Quang (Hà Tĩnh)... nên sự sống sót của loài được bảo đảm hơn.
Biện pháp bảo vệ: Cần đưa loài cây bản địa này vào gieo trồng trong chương trình trồng rừng
Tài liệu dẫn: Sinh vật rừng Việt Nam - vncreature
Agriviet - agriviet.org/thuc-vat-rung/tau-nuoc-t109/