19. Phay sừng Thực vật
Tên Việt Nam: Phay
Tên khoa học: Duabanga grandiflora
Họ: Bần - Sonneratiaceae
Bộ: Sim - Myrtales
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn
Mô tả: Cây gỗ cao tới 35m, đường kính 80 - 90cm, gốc có bạnh nhỏ. Vỏ nhẵn màu xám hồng. Cành ngang đầu rủ xuống. Lá đơn, mọc đối, hình thuỗn, đuôi hình tim, đầu có mũi tù, dài 12 - 17cm, rộng 6 - 12cm. Cuống ngắn, khoảng 0,5cm, mép lá cong. Lá kèm nhỏ. Cụm hoa chùy ở đầu cành. Hoa lớn màu trắng. Cánh đài 4 - 7, chất thịt dày, màu xanh. Cánh tràng 4 - 7, mỏng, màu trắng hay trắng vàng. Nhị nhiều, xếp thành vòng, chỉ nhị quăn, màu trắng. Bầu hình nón, gắn liền với đài, có 6 - 8 ô, mỗi ô nhiều noãn; quả nang hình cầu, màu nâu đen, nứt 4 - 8 mảnh. Hạt nhỏ nhiều, 2 đầu có đuôi dài.
Sinh học và sinh thái: Cây mọc trong các khu rừng thường xanh ở độ cao đến 800m và thường mọc ở chân núi, ven khe suối, ven các khe ẩm, ưa đất sâu mát hoặc đất có lẫn đá. Mọc lẫn với các loài: Vàng anh, Vả, Dâu da đất.... sinh trưởng nhanh, tái sinh hạt tốt. Hoa tháng 5 - 6.
Phân bố: Cây mọc rộng khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam nước ta.
Giá trị: Gỗ rắn, nặng, tỷ trọng 0,458. Lực kéo ngang thớ 17kg/cm2, lưc nén dọc thớ 343kg/cm2, oằn 869kg/cm2, hệ số co rút 0,24 - 0,37, dùng trong kiến trúc, đóng đồ dùng gia đình.
Tài liệu dẫn: Sinh vật rừng Việt Nam – vncreature