20. Thị rừng Thực vật
Tên Việt Nam: Thị rừng
Tên khoa học: Diospyros decandra
Họ: Thị - Ebenaceae
Bộ: Thị - Ebenales
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn
Mô tả: Cây gỗ cao 10 - 15m, thân tròn khá thẳng, màu vàng đen, phân cành nhiều, dài, tán lá thưa. Lá đơn mọc cách, hình trái xoan ngược - thuôn, đầu có mũi tù, gốc hơi thon dần, có 2 mặt như nhau, trên mặt có lá nhiều lông vàng, gân bên hình mạng nổi rõ cả 2 mặt. Cuống lá ngắn có lông.
Hoa màu trắng, hoa tạp tính hợp thành xim, các hoa sinh sản ở giữa, các hoa không sinh sản ở bên, tất cả đều phủ nhiều lông nhung. Hoa đực có ống đài ngắn. Hoa cái, bầu có 2 vòi nhụy xẻ đôi. Hoa đực họp thành xim ngắn ở nách lá. Hoa cái mọc đơn độc màu trắng. Quả lớn, hình cầu dẹt, đường kính 3 - 6cm, khi còn non màu xanh, phủ đầy lông, khi chín nhẵn, màu vàng, có mùi thơm. Đài tồn tại xẻ 4 thùy, phủ lông và không gập xuống. Hạt hình thận, hơi dẹt, rắn.
Sinh học và sinh thái: Cây ưa sáng, ưa nhiều kiểu đất khác nhau và là loài cây được trồng nhiều trong các làng bản miến Bắc, nhất là đồng bằng Bắc bộ. Quả ăn được, thịt nhiều xơ, vị nhạt, màu vàng nhạt. Hạt cứng, dài 3cm. Mùa hoa tháng 4. Mùa quả chín tháng 8 - 9.
Phân bố: Cây thuộc loài cây đặc hữu của Đông dương. Mọc trong các khu rừng thường xanh đến tận Khánh Hòa.
Giá trị: Gỗ màu trắng, thớ mịn, nhẹ, thường được dùng để khắc dấu, điêu khắc, làm guốc, dễ gia công chế biến, không nứt nẻ và cong vênh.
Vỏ rễ được dùng trị nôn ói, trẻ em đầu mình nóng, lở ngứa, sâu quảng. Thịt quả dùng làm thuốc trấn an và trị giun sán ở trẻ em. Vỏ quả Thị dùng trị những chỗ rộp da do con giời leo. Lá dùng tươi giã đắp trị mụn nhọt, vết thương, vết bỏng lửa; lại dùng thông hơi, gây trung tiện. Ở Campuchia, người ta dùng quả Thị để trị bệnh mất ngủ và dùng chế thuốc điều kinh.
Tài liệu dẫn: Sinh vật rừng Việt Nam – vncreature