AN NINH RỪNG TỪ CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG QLBVR & Bảo tồn Đa dạng sinh học
Hệ sinh thái có vai trò hết sực quan trọng đối với đời sống con người thông qua việc cung cấp các dịch vụ. Các nhà sinh thái học đã xác định 4 nhóm dịch vụ mà các hệ sinh thái cung cấp, còn gọi là dịch vụ môi trường, bao gồm: Dịch vụ sản xuất: thực phẩm, nước sạch, nguyên liệu, chất đốt, nguồn gen, v.v…; Dịch vụ điều tiết: phòng hộ đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, điều hoà khí hậu, điều tiết nước, lọc nước, thụ phấn, phòng chống dịch bệnh, v.v…; Dịch vụ văn hoá: giá trị thẩm mỹ, quan hệ xã hội, giải trí và du lịch sinh thái, lịch sử, khoa học và giáo dục, v.v…; Dịch vụ hỗ trợ: cấu tạo đất, điều hoà dinh dưỡng, v.v…
Trên thực tế, những người bảo tồn, gìn giữ và phát triển các dịch vụ môi trường chưa được hưởng những lợi ích xứng đáng mà xã hội phải trả cho các nỗ lực của họ. Còn những người sử dụng các dịch vụ này chưa chi trả cho những dịch vụ mà họ được hưởng. Hậu quả là việc cung cấp và sử dụng dịch vụ môi trường đó không bền vững. Trong bối cảnh này, “Chi trả dịch vụ môi trường được xem là cơ chế nhằm thúc đẩy việc tạo ra và sử dụng các dịch vụ môi trường bằng cách kết nối người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích 15.048 ha có địa giới hành chính thuộc huyện Tân Sơn của Tỉnh Phú Thọ và giáp ranh với Huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình, Huyện Phù Yên tỉnh Sơn La với tổng chiều dài đường ranh giới giáp ranh là 26 km. Tổng diện tích đất có rừng là 12.715 ha có vai trò và giá trị to lớn trong việc diều hòa khi hậu, phòng hộ đầu nguồn bảo vệ sản xuất nông nghiệp và phục vụ sản xuất; phục vụ các nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng…
Trong những năm qua, Vườn quốc gia Xuân Sơn triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới cộng đồng người dân sống trong Vườn quốc gia Xuân Sơn với mong muốn hỗ trợ một phần cho những nỗ lực của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong quá trình thực hiện, đã xác định chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích sinh thủy phục vụ sản xuất điện với diện tích 496 ha trên địa bàn xã Xuân Sơn và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trước hết, ý thức và trách nhiệm của người dân trên địa bàn Vườn quốc gia đối với công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao. Từ đó góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội ở địa phương, đặc biệt cải thiện sinh kế, giảm nghèo, ổn định đời sống của người làm nghề rừng trên địa bàn.
Tuy nhiên, Vườn quốc gia Xuân Sơn có hơn 12.000 ha rừng tự nhiên có thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường cho các hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch sinh thái và các dịch vụ cung cấp theo chứng chỉ các bon ( FSC). Đây khẳng định là một tiềm năng và lợn thế lớn đối với không chỉ riêng Vườn quốc gia Xuân Sơn mà còn với cộng đồng người dân sống trong Vườn quốc gia và những người tham gia quản lý bảo vệ rừng trong việc hưởng lợi từ các dịch vụ đó.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân tại VQG Xuân Sơn
Trên thực tế, việc cung ứng dịch vụ môi trưởng rừng ở Vườn quốc gia Xuân Sơn mới chỉ dừng lại đối với dịch vụ phục vụ sản xuất thủy điện. Các dịch vụ môi trường khác phụ thuộc vào việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái và sử dụng giá trị tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, kinh phí cho công tác giao, nhận khoán bảo vệ rừng đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng cùng trên một địa bàn có sự chênh lệch khá rõ và chưa tương xứng với mức độ và tầm quan trọng của mỗi loại rừng. ( Rừng phòng hộ: 300.000 đ/ha/năm; Rừng đặc dụng: 100.000 đ/ha/năm). Đây là một thiệt thòi đối với cộng đồng tham gia bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Mặc dù vậy trong những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn được giao quản lý, nhận thức của cộng đồng được nâng cao; đời sống của người dân được cải thiện góp phần đảm bảo an ninh xã hội tại địa phương và quan trong hơn là giữ vững được an ninh rừng.
Nguyễn Hữu Trường – VQG Xuân Sơn
Bình luận
Viết bình luận