Chào mừng bạn đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn

ĐA DẠNG TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC VÀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO TỒN TẠI VƯỜN QUỐC GIA XUÂN SƠN QLBVR & Bảo tồn Đa dạng sinh học

            Ngày nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam việc chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho con người vấn phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là những loài cây có giá trị sử dụng làm thuốc có sẵn trong tự nhiên.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích tự nhiên 15.048 ha nằm trên địa phận  xã  Xuân Sơn và một phần của các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Đồng Sơn, Lai Đồng thuộc huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ. Nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng liên sơn,Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong những vùng có tính đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật và một số đề tại nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia Xuân Sơn thì bước đầu đã xác định về thực vật có 1.259 loài, trong đó có 46 loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Đặc biệt, tài nguyên cây thuốc Vườn quốc gia Xuân Sơn 665 loài chiếm 54% tổng số loài Thực vật, trong đó 12 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.

            Đa dạng về thành phần loài: đã xác định trong tổng số 665 loài thuộc  107  họ 278 chi trong đó có 12 loài được ghi trong sách đỏ trong đó 3 loài bị đe dọa cấp E ( Bị đe dọa tuyệt chủng); 1 loài đe dọa cấp T ( Đang bị đe dọa tuyệt chủng); 03 loài mức R( Hiếm), 01 loài mức K ( Chưa rõ tình trạng). Trong các họ thự vật tại VQG thì tỷ lệ số loài trong có được sử dụng làm thuốc khá cao như Họ Đậu( Fabaceae) 41 loài; Cà phê (Rubiaceae) 36 loài; Cúc (Asteraceae) 32 loài; Thầu dầu(Euphorbiaceae) 30 loài; Gừng(Zingiberaceae) 22 loài; Ráy(Araceae) 21 loài; Nho(Vitaceae) 19 loài; Gai(Urticaceae) 18 loài; Nhân sâm(Araliaceae) 17 loài; Mua (Melastomataceae) 17 loài; Dâu tằm(Moraceae) 16 loài; Ô rô(Acanthaceae) 15 loài; Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) 14 loài; Long não(Lauraceae) 12 loài; Đơn nem (Myrsinaceae) 12 loài; Trúc đào (Apocynaceae) 11 loài. Tổng số loài của riêng các họ này chiếm 59% số loài cây làm thuốc đã xác định tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.

             Tình đa dạng theo dạng sống: Các loài cây thuốc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn được xác định thuốc 8 dạng sống khác nhau, xếp theo thứ tự mức độ đa dạng là: Cây thân cỏ: 212 loài (31,96%); Cây dây leo 150 loài (22,58%); Cây bụi 135 loài ( 21%); Cây gỗ 115 loài (17,3%); Cây bụi leo 30 loài (4,6%); Cây bì sinh, cây ký sinh và cây cau dừa 23 loài, được phân bố rải rác theo các hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Xuân Sơn nhưng chủ yêu ở rừng thứ sinh (59%) và rừng nguyên sinh ít bị tác động (34%).

            Giá trị sử dụng: Danh mục các loài cây thuốc tại Vườn quốc gia Xuân Sơn được đồng bào dân tộc người Dao, Mường sử dụng để chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Theo danh mục phân loại bệnh/chứng của GS. Đỗ Tất Lợi có 48 bệnh/chứng có thể chữa bằng cây trong Vườn quốc gia Xuân Sơn; có 286 loài được sử dụng để chữa các bệnh/chứng được quy định trong “Danh mục cây thuốc Việt Nam” trong đó một số bệnh thông thường như sau: ho, hen, hậu sản, viêm xoang, tê thấp đau nhức, sỏi thận, sốt rét, rắn cắn, mụn nhọt...

Theo điều tra, phỏng vấn cộng đồng dịa phương bước đầu xác định có 14 loài được cộng đồng xác định là quý và quan trọng được nhiều hộ gia đình sử dụng như: Cùn sản hậu (Rourea minor); Chòi mòi hải nam (Antidesma hainamensis); Cách vàng (Premna fulva); Mỏ chim (Aechynanthus sp); Củ dòm (Stephania dielsiana); Ba kích (Morinda officinalis)....

            Đa dạng về giá trị sử dụng theo từng bộ phận: Sử dụng cây thuốc tại Vườn quốc gia Xuân Sơn được phân theo 13 bộ phận sử dụng khác nhau trong đó bộ phận sử dụng nhiều nhất là lá chiếm 41,34% , Thân (37,52%), cả cây (19,87 %), Rễ (13,99%) có 324 loài chiếm 51,5%.

            Sơ chế cây thuốc của đồng bào dân tộc Mường

            Sự đa dạng và phong phú nguồn tài nguyên thực vật nói chung và tài nguyên cây thuốc nói riêng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ nguồn gen quý cho nhân loại. Hơn nũa, Tài nguyên cây thuốc mang lại nhiều giá trị về kinh tế, khoa học và môi trường.

            Hiện nay, xã hội đang có nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng các bài thuốc nam và đồng tây y kết hợp để phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh... Trên thực tế nguồn dược liệu cung cấp để phục vụ nhu cầu của cuộc sống chủ yếu được khai thác trong rừng tự. Với mục tiêu quản lý Vườn quốc gia Xuân sơn một cách bền vững, trong những năm qua Vườn quốc gia Xuân Sơn đã đề ra nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiện có, cụ thể: Xây dụng cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng trong việc khai thác, sử dụng và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến giá trị tài nguyên và tính đa dạng sinh học nơi đây. Mặt khác, để quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc, Vườn quốc gia Xuân Sơn đã triển khai xây dựng một số mô hình nhân giống, gây trồng và phát triển một số loại cây thuốc quý. Từ đó làm có sở để triển khai, nhân rộng các mô hình cho người dân trong khu vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội và gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.  

                                                                                  Đinh Tấn Quyền - Vườn quốc gia Xuân Sơn

Bình luận

Viết bình luận

Liên kết - Đối tác