HIỆU QUẢ BẢO VỆ RỪNG QUA CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỆM Quản lý bảo vệ rừng
Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng được Chính phủ ban hành với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân, đồng thời tạo cơ chế có lợi cho cộng đồng dân cư trong bản tham gia bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Từ đó giảm bớt sự đầu tư của Ngân sách Nhà nước cho việc quản lý bảo vệ rừng.
Vườn quốc gia Xuân Sơn là đơn vị trong hệ thống rừng đặc dụng của cả nước, có tổng diện tích tự nhiên là 15.048 ha, tổng số 29 thôn vùng đệm với 2.535 nhân khẩu sinh sống. Cuộc sống của người dân thuộc các thôn bản vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ nhận thức chưa đồng đều. Vì vậy đã tạo ra không ít khó khăn đối với công quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Từ năm 2012 đến nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành , Vườn quốc gia Xuân Sơn đã triển khai chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng đến 29 thôn thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác quản lý bảo vệ rừng; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng địa phương với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Việc triển khai thực hiện đầu tư được thực hiện đến từng thôn bản, từng người dân và được vận dụng linh hoạt các nội dung đầu tư để phù hợp với từng địa phương, từng khu vực và quan trong hơn cả là đều xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của bà con nhân dân trong thôn, xã. Trong quá trình thực hiện, Vườn quốc gia đã kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý bảo vệ rừng với việc hỗ trợ phát triển cộng đồng, trong đó:
Đối với công tác quản lý bảo vệ rừng: Tổ chức giao khoán bảo vệ rừng, ký cam kết quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia với các cộng đồng và hàng năm tổ chức đánh giá việc thực hiện cam kết của cộng đồng làm cơ sở để quyết định tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho cộng đồng những năm tiếp theo.
Đối với công tác hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm: Đã triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng thôn theo định mức hỗ trợ hàng năm. Trong đó: Thực hiện hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị; sửa chữa, xây mới nhà văn hóa để phục vụ sinh hoạt văn hóa công đồng kết hợp với công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh; làm đường giao thông nông thôn; Hỗ trợ phát triển xản xuất nông nghiệp về cây, con giống, xây dựng kênh mương, ống dẫn nước cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước hàng năm còn hạn chế nhưng Vườn quốc gia Xuân Sơn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dân vận tại cơ sở theo phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vì vậy sơ kết qua 3 năm triển khai thực hiện, việc hỗ trợ đầu tư đã góp phần không nhỏ trong việc quản lý bảo vệ rừng và cải thiện, nâng cao điều kiện sinh hoạt, điều kiện sản xuất nông nghiệp của người dân, cụ thể: Đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên cho các cộng đồng quản lý; Hỗ trợ đầu tư xây dựng được 1.750m đường bê tông nông thôn, 150 m kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho lúa, 400 m ống dẫn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; 500 con lợn giống, hơn 1000 con vịt bầu đất…. Với những kết quả đạt được trên đã phần nào thể hiện được hiệu quả của ngườn vốn đầu tư và hơn cả là đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong cách triển khai thực hiện cũng như việc định hướng các nội dung hỗ trợ.
Hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi Vịt tại xã Kim Thượng
Để có được sự minh chứng rõ ràng hơn trong việc đánh giá hiệu quả của sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, chúng tôi đã có dịp tiếp cận, trao đổi trực tiếp với một số người dân và những người hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vốn đầu tư và được bà Đinh Thị Ước – trưởng thôn Thang xã Xuân Đài cho hay “ Từ khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Vườn quốc gia Xuân Sơn năm 2013 đến nay, thôn đã triển khai họp dân và quyết định sử dụng nguồn vốn hỗ trợ kết hợp cùng sự đóng góp bằng kinh phí và công lao động của bà con trong thôn đã làm được 150 m đường kênh dẫn nước để phục vụ nước tưới cho cánh đồng lúa khoảng gần 1 ha. Trước kia, khi chưa cho kênh dẫn nước thì diện tích trên chỉ cấy được 1 vụ/năm, năng xuất lúa không ổn định. Đến nay, khi có con kênh dẫn nước thì diện tích đó đã cấy được 2 vụ lúa/năm, năng xuất lúa tăng lên. Vì vậy bà con trong thôn và những gia đình được hưởng lợi từ công trình rất phấn khởi”. Mặt khác, tại thôn Nhàng xã Kim Thượng trao đổi với chúng tôi, ông Hà Đình Bế - một người dân trong thôn cho biết “ Trước hết phải khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Hơn nữa, được cán bộ xã, thôn đã định hướng cho người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để đầu tư hơn 1.000 con vịt bầu đất, tương ứng với mỗi hộ 30 con để phát huy lợi thế sông suối tại khu phục vụ chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau từ 3-4 tháng đầu tư đã mang lại hiệu quả tức thời, tính đơn thuần với giá vịt tại địa phương 70.000đ/kg thì mỗi hộ cũng có thu từ 3-4 triệu đồng. Hơn nữa việc nuôi vịt bầu đất còn góp phần bảo tồn giống vật nuôi quý của tỉnh Phú Thọ”.
Với những kết quả đã đạt được không những hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn nâng cao ý thức, gắn chặt quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng đối với tài nguyên thiên nhiên của quốc gia. Hơn nữa, tạo được công ăn, việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn; Cải thiện, nâng cao được điều kiện sống về vật chất cũng như tinh thần của người dân trong khu vực, từng bước góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, cùng với chính quyền địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới. Từ đó đưa đến đồng quản lý tài nguyên rừng một cách hiệu quả, bền vững./.
Đinh Tấn Quyền – VQG Xuân Sơn
Bình luận
Viết bình luận